"Mobile là bức tranh của tương lai ngành nội dung số"
Đó là phát biểu của anh Huỳnh Ngọc Hải trong buổi nói chuyện với học viên VTCAcademy về chủ đề “Giải mã cái chết ứng dụng/game mobile” vào ngày 29/11/2014 tại trụ sở VTC Academy Hồ Chí Minh.
“Hiểu tại sao ta chết thì sẽ biết cách để sống”
Giải thích lý do lấy tên chủ đề bài nói chuyện là “Giải mã cái chết ứng dụng/game mobile”, anh Huỳnh Ngọc Hải- nguyên Giám đốc Trung tâm Game FPT Online và nguyên Gíam đốc Trung tâm Game VTC Online, hiện là giám đốc công ty Mobiz- một trong những nhà phân phối nội dung di động hàng đầu Việt Nam chia sẻ: “Hiện tại trên các phương tiên truyền thông đều đang vẽ nên bức tranh ngành ứng dụng/game mobile với những game màu tươi sáng, song tôi muốn nói tới những game màu tối của bức tranh đó, để các bạn có cơ hội nhìn nhận rõ ràng hơn về ngành nghề và trang bị cho mình những kỹ năng tốt nhất trước khi rời ghế nhà trường”.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm trong ngành nội dung số tại những công ty hàng đầu Việt Nam, anh Hải đã đưa ra những phân tích sắc đáng từ thực tế của ngành lập trình di động đầy tiềm năng nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt hiện nay. Theo thống kê của Locallytics, hơn 50% số lượng ứng dụng trên Google Play, App Store thấp hơn 50.000 lượt tải. Trong số những ứng dụng được tải về, có đến 66% người dùng mở ứng dụng đó từ 1-10 lần sau khi cài đặt, và sau đó gỡ cài đặt. Những thông số từ năm 2010 đến 2012 trên cho thấy, người tiêu dùng ngày nay có quá nhiều sự lựa chọn, và vì thế, họ cũng sẽ lựa chọn sản phẩm khắt khe hơn. Các nhà lập trình ứng dụng nếu muốn tồn tại phải hiểu được hành vi của khách hàng, cũng như sáng tạo nên những sản phẩm có chất lượng tốt và đặc biệt là phải hữu ích và khác biệt.
Lập trình viên di động thì nhiều, nhưng Lập trình viên có thể kiếm được nhiều tiền từ nghề của mình lại rất ít. Anh Hải chỉ ra rằng, Nhóm Lập trình viên “không có gì” chiếm 47% tổng số nhà phát triển, bao gồm những người không kiếm được một đồng nào (24%) và những người có thu nhập nhưng ít hơn 100 USD/tháng. Số tiền này không thể bù đắp được chi phí trang thiết bị cho viết app và thử nghiệm, chi phí đưa app lên nền tảng. Chỉ 35% nhà phát triển app iOS nằm trong nhóm này so với 49% nhà phát hành app Android. Nhóm nghèo khó chiếm 22% tổng số nhà phát hành app, có thu nhập từ 100 – 1.000 USD/ tháng. Trong nhóm này có 15% có thu nhập dưới 500 USD/ tháng, còn lại 7% có thu nhập từ 500 – 1000 USD/ tháng. Giả sử mỗi nhà phát hành có 3 nhân viên thì doanh thu trên không đủ để trả lương cho nhân viên ở bất cứ đâu trên thế giới. Nhóm sống lay lắt chiếm 19% tổng số nhà phát hành app, có thu nhập từ 1.000 – 10.000 USD/ tháng, là mức thu nhập tương đối tốt nếu app không đòi hỏi chi phí duy trì như hosting. Phần còn lại là nhóm có thu nhập chiếm 9.4% kiếm nhiều hơn 10.000 USD/ tháng. Mức thu nhập trên cho thấy phần lớn các nhà phát hành app không tự nuôi được bản thân, tạo nên cơ cấu thị trường phát triển ứng dụng di động không bền vững.
Như thế, ngoài bức tranh sáng lạn mà giới truyền thông tô vẽ về ngành lập trình ứng dụng, thì những lập trình viên ngành này cũng phải đứng trước những khó khăn, thậm chí là khắc nghiệt nếu muốn thành công trong nghề. Song, anh Hải cho rằng: Nếu hiểu tại sao ta chết thì sẽ biết cách để sống. Anh Hải cũng chỉ ra những lý do thường các start-up về di động thường gặp phải, và là nguyên nhân phổ biến nhất khiến những nhà khởi nghiệp di động phải “chết dần chết mòn”: đó là những start-up tự phát, thiếu nhân sự bù đắp kỹ năng cho nhau; start-up không hiểu rõ nhu cầu của khách hàng; start-up thường đặt góc nhìn cá nhân khi xây dựng ứng dụng; nhóm thiếu hoạch địch chiến lược kinh doanh khi xây dựng sản phẩm; thiếu sự tư vấn, hỗ trợ từ các đơn vị chuyên môn; đa phần là ứng dụng “clone”, thiếu sự sáng tạo; thiếu nền tảng hỗ trợ phân phối sản phẩm; hiếu hỗ trợ triển khai marketing, quảng bá thương hiệu.
Vậy đứng trước các thách thức không hề đơn giản đó, các lập trình viên muốn khởi nghiệp phải làm gì? Anh Hải đã đưa ra những gợi ý cho các nhà lập trình viên tương lai như sau: trước hết, cần tham khảo “mẫu thử” trước khi bắt tay xây dựng sản phẩm (“mẫu thử” có thể là người dùng cuối đúng mục tiêu sản phẩm; các đơn vị tư vấn và hỗ trợ chuyên môn); tân dụng Facebook và các mạng xã hội khác để tăng mức độ truyền thông tin (mời bạn cùng chơi, chia sẻ thông tin, thứ hạng lên tường, tạo fanpage thu hút sự chú ý của cộng đồng); hiểu biết, sử dụng tốt các công cụ quảng bá sản phẩm; mở rộng hệ thống thanh toán để người chơi dễ tiếp cận sản phẩm. Ngoài ra, các bạn trẻ cũng nên hợp tác với các đơn vị chuyên môn như mở rộng kênh phát hành, hợp tác quảng bá sản phẩm qua banner với các nhà phát hành game, Apps để tận dụng tối đa cộng đồng sẵn có, quảng bá miễn phí sản phẩm; và được sử dụng các cổng thanh toán, chăm sóc khách hàng có sẵn.
“Tóm lại, mobile vẫn là bức tranh của ngành nội dung số”, anh Hải khẳng định với các bạn trẻ tham dự hội thảo. “Những doanh nghiệp như Mobiz luôn sẵn sàng hỗ trợ để các bạn trẻ phát triển hết khả năng và tạo lập sự nghiệp trong ngành di động tại Việt Nam”, anh Hải chia sẻ.
Cơ hội phát triển ngành lập trình di động ở Việt Nam là rất lớn!
Tham dự buổi hội thảo cũng có anh Trịnh Quang Chung- chuyên gia tư vấn về kinh doanh trực tuyến cho các đối tác chiến lược của Google tại Việt Nam và hiện là giám đốc Khối ngành- Google Châu Á Thái Bình Dương.
Đồng quan điểm với anh Huỳnh Ngọc Hải, anh Trịnh Quang Chung cho rằng cơ hội cho ngành mobile của Việt Nam vẫn còn rất lớn. Theo anh Chung, doanh số ngành lập trình di động của khu vực Châu Á Thái Bình Dương chiếm 40% doanh số toàn cầu, với mức tăng trưởng trung bình 23%/năm. Đây là cơ hội vô cùng lớn cho các lập trình viên ứng dụng di động nói chung và lập trình viên mảng game nói riêng.
theo : http://academy.vtc.vn/
No comments:
Post a Comment